Nhiều bậc phụ huynh lần đầu lên chức ba mẹ không tránh khỏi các thắc mắc làm sao để có được cách chăm sóc tốt nhất cho bé yêu của mình. Việc làm sạch miệng, rơ lưỡi cho trẻ bú ngon, ngủ giỏi cũng là một trong những vấn đề nhiều ba mẹ quan tâm. Có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng “Có nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục:
Tại sao nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh?
Khi bú sữa mẹ hoặc bú bình, khoang miệng đặc biệt là lưỡi trẻ sơ sinh có rất nhiều vi sinh vật. Nếu trong thời gian dài mà trẻ sơ sinh không được rơ lưỡi sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ cho các vi khuẩn, nấm miệng hình thành và gây khó khăn trong việc vệ sinh cũng như vị giác của bé khi bú.
Việc không vệ sinh khoang miệng của bé đúng cách sẽ làm cho trẻ cảm thấy chán ăn, bỏ bú, thậm chí ảnh hưởng đến việc mọc răng của trẻ sau này. Vì vậy, rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là điều vô cùng cần thiết.
Có nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không?
Biết được tầm quan trọng của việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên một số ba mẹ không biết rằng có nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không và rơ lưỡi cho trẻ bao nhiêu lần là hợp lý.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Nhi, việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh cũng giống như việc đánh răng của người lớn, cần phải làm hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tùy vào trường hợp bé bú sữa công thức hay bé bú sữa mẹ sẽ có tần suất vệ sinh miệng khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ
Khi trẻ bú sữa mẹ, lưỡi của trẻ tiếp xúc với núm vú của mẹ nên thường sữa sẽ không bị đóng cặn nhiều. Thông thường đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, ba mẹ nên thực hiện rơ lưỡi 1 lần/ngày để đảm bảo khoang miệng, lưỡi và nướu của bé được vệ sinh sạch sẽ, không bị đóng cặn ảnh hưởng đến hương vị sữa của bé.
Đối với trẻ sơ sinh bú sữa ngoài
Trường hợp trẻ sơ sinh bú sữa ngoài hay bú sữa công thức, ba mẹ nên rơ lưỡi nhiều hơn cho bé so với việc bé bú sữa mẹ. Về bản chất sữa ngoài rất dễ đóng cặn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tưa lưỡi, viêm lưỡi, viêm họng khiến bé cảm thấy khó chịu, chán ăn.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ bú sữa công thức thì ba mẹ nên rơ lưỡi cho trẻ 2 tiếng sau khi ăn. Không nên rơ lưỡi cho bé ngay sau khi ăn no, dễ dẫn đến tình trạng nôn trớ ở trẻ. Lời khuyên của bác sĩ là nên rơ lưỡi cho trẻ bú sữa ngoài 2 lần/ ngày để đảm bảo khoang miệng ở trẻ được vệ sinh sạch sẽ nhất.
Một số cách rơ lưỡi an toàn cho trẻ sơ sinh
Để rơ lưỡi cho trẻ an toàn và đúng cách, các ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình hình sức khỏe của bé và nên chọn phương pháp vệ sinh an toàn, phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh mà ba mẹ có thể tham khảo.
Sử dụng nước muối sinh lý
Đối với trẻ sơ sinh từ 0 – 4 tháng tuổi, để rơ lưỡi cho trẻ ba mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9%. Tuyệt đối không được lấy các vật cứng tác động vào lưỡi của trẻ để nạo cặn sữa, nên sử dụng gạc vô trùng để vệ sinh lưỡi cho trẻ.
Để tránh tình trạng bé bị nôn, ói trong lúc đang rơ lưỡi, ba mẹ cần đảm bảo rơ lưỡi cho trẻ khi trẻ đang đói. Không nên để móng tay dài vệ sinh lưỡi cho bé vì rất dễ gây tổn thương, trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm nên ba mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay và móng tay khi thực hiện rơ lưỡi cho bé.
Ba mẹ sau khi đã chuẩn bị đầy đủ gạc vô trùng, nước muối sinh lý và vệ sinh sạch sẽ tay thì có thể bắt đầu thực hiện rơ lưỡi cho bé từng bước như sau:
- Bước 1: Cuộn gạc vô trùng vào ngón tay trỏ sau đó thấm một ít nước muối sinh lý.
- Bước 2: Bế bé vào lòng, sao cho đầu của bé hướng cao lên trên.
- Bước 3: Dùng tay đặt lên môi bé, từ từ tách miệng bé ra.
- Bước 4: Đưa ngón tay có gạc thấm nước muối vào trong miệng bé, từ từ rơ sạch khoang miệng của bé.
- Bước 5: Nên rơ theo thứ tự từ vòm miệng tới phần nướu và cuối cùng là lưỡi nhằm vệ sinh sạch sẽ. Xoay ngón tay nhẹ nhàng vệ sinh hai bên trong má, nướu và lưỡi một cách nhẹ nhàng.
Rơ lưỡi cho bé bằng lá hẹ
Lá hẹ là một trong những loại thực vật rất lành tính, thường được dùng trong các phương thuốc đông y. Thành phần của lá hẹ chứa các hợp chất tự nhiên rất hiệu nghiệm trong việc điều trị các bệnh về nấm, kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn. Lá hẹ có ít độc tố, lành tính nên không gây ra các tác dụng phụ hay bất kỳ biến chứng nào khi dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng lá hẹ rơ lưỡi cho bé, ba mẹ cần sử dụng đúng cách.
Quy trình rơ lưỡi cho bé bằng lá hẹ dành cho ba mẹ tham khảo:
- Bước 1: Rửa sạch lá hẹ với nước.
- Bước 2: Đun lá hẹ sôi rồi lấy phần lá giã nhuyễn.
- Bước 3: Lọc hỗn hợp lá hẹ giã nhuyễn qua rây để lấy nước cốt.
- Bước 4: Đợi nguội hẳn và lấy nước cốt lá hẹ vệ sinh lưỡi cho bé tương tự như sử dụng nước muối sinh lý.
Có nên rơ lưỡi cho bé bằng chanh hoặc mật ong không?
Có rất nhiều lời khuyên và gợi ý dùng chanh hoặc mật ong để rơ lưỡi cho bé. Theo dân gian, đặc tính của chanh chứa axit nên có thể giúp loại bỏ vi khuẩn trong miệng bé. Tuy nhiên hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu y khoa nào cho thấy chanh và mật ong có tác dụng trong việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh. Thậm chí, trong mật ong còn chứa các độc tính có thể gây hại cho trẻ. Vì vậy, việc sử dụng chanh hay mật ong để rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là hoàn toàn không đúng, ba mẹ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi dùng cho bé.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về việc vệ sinh khoang miệng cho trẻ nhỏ. Đồng thời, bài viết đã làm sáng tỏ câu hỏi “Có nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh hàng ngày không”. Khẳng định lại một lần nữa, ba mẹ nên rơ lưỡi cho bé hàng ngày để đem lại cảm giác ngon miệng nhất cho bé. Hy vọng qua bài viết, các bậc phụ huynh có thêm được những thông tin bổ ích trong việc chăm sóc bé yêu của mình.